Điểm đến | Bản đồ | Sự kiện | Online 1473 | Đăng nhập

Vùng đất cực nam Trung bộ tuy có nhiều di tích lịch sử văn hóa nhưng với Linh sơn trường thọ tự trên núi Tà Cú (huyện Hàm Thuận Nam – tỉnh Bình Thuận) có một bản sắc riêng. Từ cảnh trí thiên nhiên đến những truyền thuyết như hòa quyện vào nhau để Tà Cú càng thêm hoang sơ và quyến rũ. Thắng cảnh di tích Tà Cú nằm ở vị trí đầu mối các tuyến đường giao thông: Từ thành phố Hồ Chí Minh ra và các nẻo đường từ Vũng Tàu đi qua suối nước nóng Bình Châu, Dinh Thầy Thím, Mũi Điện Khê Gà …

Núi Tà Cú cao 649 m, nằm ven Quốc lộ 1A, thuộc thị trấn Thuận Nam, huyện Hàm Thuận Nam, cách Phan Thiết 28 km về phía Nam là một thắng cảnh và là một điểm leo núi của tỉnh Bình Thuận. Cung đường lên núi Tà Cú khá đẹp và thơ mộng với nhiều loại cây và hoa khác nhau đặc biệt là hoa bằng lăng, trên đỉnh núi là bức tượng Phật đang nằm dài 49 m cao 7 m  xây dựng 1963.

Chùa Núi Tà Cú nằm lưng chừng núi ở độ cao hơn 400m. Chùa Núi được xây dựng năm 1879, nhưng trước đó nhiều năm đã có chùa thờ Phật bằng mái tranh vách đất. Chùa Núi do nhà sư Trần Hữu Ðức trụ trì, nơi xây dựng chùa do nhà sư chọn, ở đó quanh năm có cây xanh, suối chảy, chim vượn ở ngay cạnh chùa. Về sau, một chùa nữa được xây ở phía dưới, chùa Dưới này có tên là Long Ðoàn và chùa cũ gọi là chùa Trên với tên gọi là Linh Sơn Trường Thọ, gọi chung là Chùa Núi.

Toàn thể cảnh chùa là một tổng thể kiến trúc bao gồm: Tam Quan, điện thờ, tượng Phật, tháp mộ, hang Tổ,… ẩn mình dưới rừng cây cổ thụ xanh tươi bốn mùa.

Từ dưới chân núi, leo lên hàng trăm bậc tam cấp theo những con đường ngoằn ngoèo giữa rừng già mới đến chùa. Ở đây quanh năm không khí trong lành, mát mẻ, hơi nước toát ra từ núi đá với không khí mát lạnh hấp dẫn trong mùa hè. Nhiệt độ trung bình từ 18 đến 22 độ C. Phong cảnh hùng vĩ nên thơ của núi rừng làm cho chùa Núi càng thêm nổi tiếng. Ngoài ra, chùa Núi còn có pho tượng Phật nằm khổng lồ: “Thích Ca nhập niết bàn” nằm ở vị trí cao nhất cách chùa khoảng 100m. Tượng Phật này thuộc vào pho tượng Phật hiếm có trong lịch sử Phật Giáo Việt Nam và là bức tượng lớn nhất Việt Nam lúc bấy giờ. Tác phẩm do kỹ sư Trương Ðình Ý chủ trì vào năm 1962. Cách Pho tượng Phật nằm chừng 50m là nhóm Tam Thế Phật: A Di Dà, Quan Thế Âm Bồ Tát, Ðại Thế Chí, cả 3 pho tượng đều có chiều cao khoảng 7m.

Trong lịch sử, chùa núi Tà Cú tỉnh Bình Thuận được hình thành dựa theo thế núi nên có chùa Trên, chùa Dưới đều quay mặt về hướng đông nam. Đặc trưng kiến trúc chùa theo phái Bắc Tông, dù qua nhiều lần trùng tu nhưng vẫn giữ được nét riêng cổ kính với mái cong lợp ngói, lưỡng long chầu nguyệt đã nhuốm màu rêu phong.

Nơi đây, ba pho tượng Phật Di Đà (7m), Quan Thế Âm và Đại Thế Chí (6.5m) hiện là một trong 7 cấp của cảnh tịnh độ đạo tràng theo Quán kinh và Kinh Di Đà do sư trụ trì Thích Vĩnh Thọ phác thảo từ năm 1960. Màu vôi trắng của các pho tượng nổi lên giữa màu xanh cây rừng, khiến quan cảnh toát vẻ siêu nhiên.

Chùa Linh Sơn Trường Thọ

Địa danh này vốn gắn liền với di tích lịch sử văn hóa Chùa Linh Sơn Trường Thọ mang đậm sắc cổ, uy nghiêm giữa khung cảnh rừng núi chập chùng, lẫn khuất bóng mây. Du khách sẽ ngỡ ngàng khi đứng trước tượng Phật trầm tư và dấu thiêng của Tổ sư từ buổi khai sơn cách đây trên 130 năm.

Chùa Linh Sơn Trường Thọ nằm lưng chừng núi ở độ cao 420m, hài hòa với bức tranh thiên nhiên được kết bằng những tảng đá, khe suối, cây rừng trầm lặng trước pho tượng phật nằm uy nghi. Đứng dưới bóng đại thụ ngàn năm nhìn về hướng đông có thể thấy cả đảo nhỏ Hòn Bà ở La Gi giữa biển mênh mông.

Tổng thể Chùa Linh Sơn núi Tà Cú không thể tách rời những kiến trúc tượng Phật, tháp mộ, miếu thờ, ao thất bảo được xây dựng sau này. Công trình mang tính đồ sộ và độc đáo nhất là pho tượng phật Thích Ca Mâu Ni nhập niết bàn, dài 49m cao 11m với tư thế nằm nghiêng, lưng tựa vào vách núi, gối đầu lên tay.

Chùa Tổ

Chùa Tổ xây dựng từ khoảng năm 1870 - 1880 do sư tổ Hữu Đức và các chư hậu tổ tiếp tục trùng tu. Quy mô cấu trúc chùa Tổ có ba gian: Giữa là chánh điện thờ Phật, bên tả là nhà giám tự, bên hữu là nơi thờ tổ Hữu Đức. Có trên một trăm bậc đá tam cấp ngược dốc từ cổng tam quan lên chùa Tổ, mái chùa điểm xuyết lên bầu trời xanh lồng lộng, đặc trưng nghệ thuật kiến trúc Phật giáo mang phong cách kiến trúc thời Nguyễn.

Ở triền núi, hướng đông của chùa Tổ là chùa Long Đoàn được sư Tâm Tố hiệu Viên Minh tạo dựng sau khi tổ Hữu Đức viên tịch. Lối kiến trúc pha với phong cách hiện đại những nóc chùa hình tháp, mái ngói âm dương được hài hòa thanh thoát. Ngôi chánh điện với những bức tường xây bằng đá chẻ trong rất bề thế giữa khu đất rộng có nhiều cây ăn trái lưu niên, tạo nên một màu xanh sinh thái tự nhiên hài hòa với cảnh sắc núi rừng.

Trong khuôn viên Chùa Tổ còn có tháp mộ Tổ và các chư hậu Tổ. Chuyện kể rằng trước khi Tổ Hữu Đức sắp viên tịch có một đệ tử là sư cô Thái Thị Tràng nhờ chuyên tâm tu niệm, khắc kỹ tu thân đã tiên tri được nên chất củi tự thiêu và thoát hóa trước Tổ. Lại có chuyện, sau khi Tổ viên tịch, bạch hổ lâu năm theo hầu cũng về phủ phục bên mộ Tổ buồn rầu rồi chết bên tháp, lưu lại nấm mộ do chùa mai táng.

Núi Tà Cú xưa kia là một ngọn núi lửa thuộc đệ nhất nguyên đại nên trong đất có vàng sa khoáng và sulfur, trong nước suối có hoạt chất của các loại rễ cây thuốc như ngũ gia bì, thần xạ, đỗ trọng bắc... rất tốt để chữa một số bệnh.

Chùa Núi Tà Cú hiện là một trong những điểm du lịch khá nổi tiếng ở Bình Thuận. Cảnh chùa cổ kính, tượng phật trầm tư và dấu thiêng của sư tổ từ buổi khai sơn cách đây trên một trăm năm luôn làm du khách ngỡ ngàng. Vào các mùa trong năm lúc nào cũng có khách thập phương đến viếng Phật, ngắm cảnh chùa và rừng núi, nhất là dịp Xuân về Tết đến và ngày giỗ Tổ Hữu Đức hàng năm (mùng 5 tháng mười âm lịch).

Chùa Núi Tà Cú cùng với những cánh rừng trong khu Bảo tồn thiên nhiên đã được Nhà nước xếp hạng thắng cảnh cấp quốc gia năm 1993. Nơi đây đã có hệ thống cáp treo để đưa du khách lên xuống tham quan được thuận tiện hơn.

Huyền thoại Linh sơn Tà Cú

Vào năm Tự Đức thứ 33 (tức 1880), hoàng thái hậu là bà Từ Dũ lâm trọng bệnh, mắt mù lòa nhưng các ngự y, danh y tài giỏi ở triều đều bất lực. Nhà vua châu tri khắp thần dân trong nước kêu gọi ai cứu được mẫu hậu sẽ trọng thưởng. Bởi tiếng đồn về danh đức, pháp thuật của sư tổ Hữu Đức từ lâu, nên quan thủ hiến đầu tỉnh Bình Thuận lập tức viết biểu tâu lên vua. Vua Tự Đức hạ chiếu sai sứ xin rước sư tổ về triều chữa bệnh cho Hoàng thái hậu. Nhưng vì đã nguyện không bao giờ xuống núi nữa nên sư tổ chỉ trao cho sứ thần thảo dược cùng cách sử dụng. Quả là linh nghiệm, sau khi uống hết các chú chuẩn đề và thuốc, Hoàng thái hậu vượt qua căn bệnh hiểm nghèo, nhanh chóng bình phục. Vua Tự Đức tỏ lòng cảm phục sư tổ ban sắc phong bốn chữ “Linh Sơn Trường Thọ” cho nơi sư tổ sáng lập và tu tịnh.

 


Bản đồ | Lộ trình | Lượt (6058) |  

Khu du lịch Cáp Treo Tà Cú
- Địa chỉ: Km 28, Thị trấn Thuận Nam, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận
- Điện thoại:0623.867484 –Fax.0623. 869112
- Website: www.tacutourist.com

Bình Thuận

- Địa chỉ: Bình Thuận
Bãi đá Ông Địa

- Địa chỉ: Nguyễn Đình Chiểu, Phường Hàm Tiến, Thành phố Phan Thiết, Bình Thuận
Làng Chài Mũi Né

- Địa chỉ: 106 Huỳnh Thúc Kháng, Mũi Né, Thành phố Phan Thiết, Bình Thuận
Khu vui chơi giải trí Suối Cát

- Địa chỉ: 383 Trần Quý Cáp, Tiến Lợi, tp. Phan Thiết, Bình Thuận
Biển và bãi đá Cổ Thạch

- Địa chỉ: xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong
Nhà Hàng Cây Bàng

- Địa chỉ: 02 - 04 Nguyễn Đình Chiểu - P. Hàm Tiến - Tp. Phan Thiết - Bình Thuận
Giới thiệu Gõlàđi | Liên hệ | Gõlàđi Trên Facebook
www.Goladi.com & www.Goladi.vn - Copyright (c) 2024 Quản lý bởi PMV Software - Công Viên Phần Mềm Quang Trung, Quận 12, TP.HCM, Việt Nam