Điểm đến | Bản đồ | Sự kiện | Online 1929 | Đăng nhập

Thoại Ngọc Hầu tên Nguyễn Văn Thoại (còn đọc là Thụy). Ông lập được công lớn, được phong tước Hầu. Nhà Nguyễn thường lấy tên các công thần ghép vào tước, nên người ta quen gọi theo tên tước "Thoại Ngọc Hầu". Hai lần ông mang ấn bảo hộ Cao Miên nên cũng được gọi là Bảo hộ Thoại.

Ông sinh ngày 26 tháng 11 năm Tân Tỵ (1761), tại làng An Hải, tổng An Lưu Hạ, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam (nay thuộc phường An Hải Tây, quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng).

Cha là Nguyễn Văn Lượng, sinh thời làm chức Từ thừa, là một chức quan nhỏ chuyên lo việc tế tự tại các đền miếu do nhà nước lập ra, mẹ là bà Nguyễn Thị Tuyết. Cả hai đều có tiếng là người đôn hậu, khéo dạy con. Ông Nguyễn Văn Lượng được vua Minh Mạng sắc phong Anh dũng tướng quân Khinh xa Đô úy Thần sách Vệ úy Nguyễn Hầu, đề ngày 21/7/1822 và bà Nguyễn Thị Tuyết được sắc tặng mỹ hiệu Thục Nhân, ban xuống cùng ngày với chồng. Nguyễn Văn Thoại là anh cả của em gái Nguyễn Thị Định và em trai út Nguyễn Văn Ngoạt.

Nguyễn Văn Thoại có chánh thất phu nhân là bà Châu Thị Tế, sinh năm 1766, người huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long. Bà mất năm 1826, an táng tại triền núi Sam (Châu Đốc), nay là khu Lăng Thoại Ngọc Hầu. Bà có tiếng là nhân hậu, đảm đang, được phong là Nhàn Tĩnh phu nhân. Bà diệc phẩm phu nhân (vợ thứ) tên Trương Thị Miệt, mất năm 1821 (đoán sinh năm 1781), cũng chôn tại khu lăng núi Sam. Một số tài liệu cho biết ông còn có một người vợ  ở quê nhà tên là Nguyễn Thị Hiền.

Nguyễn Văn Thoại có hai người con trai, Nguyễn Văn Lâm là con của bà Châu Thị Tế, Nguyễn Văn Minh là con bà Trương Thị Miệt. Ông còn một người con gái nuôi tên Nguyễn Thị Nghĩa, có chồng tên Võ Vĩnh Lộc, sau theo Lê Văn Khôi chống lại triều đình, cả 2 vợ chồng đều bị bắt và bị giết (9/1834). Còn 2 người con trai, bị thu hồi tập ấm sau cái án oan của người cha, rồi đi đâu và làm gì, sử liệu không thấy ghi. Sau này, một số nhà nghiên cứu cho biết, Nguyễn Văn Lâm và Nguyễn Văn Minh đều tham gia cuộc khởi nghĩa của Lê Văn Khôi, cũng bị giết sau khi khởi nghĩa thất bại.

Căn cứ Văn bia Thoại Sơn và các tài liệu lịch sử của Quốc sử quán triều Nguyễn, Nguyễn Văn Thoại theo mẹ lánh mình vào Nam, định cư tại làng Thới Bình nằm trên cù lao Dài trên sông Cổ Chiên (tỉnh Vĩnh Long). Năm 1777 (17 tuổi, tính theo can chi âm lịch), ông đầu quân theo Nguyễn Ánh tại Ba Giồng (Định Tường). Từ đó, Nguyễn Văn Thoại có mặt trong nhiều trận đánh giữa quân của Nguyễn Ánh và quân của Tây Sơn. Trong thế trận giằng co đó, nhiều lần Nguyễn Ánh phải bỏ thành Gia Định lưu vong. Nguyễn Văn Thoại có mặt trong đoàn phò giá Nguyễn Ánh chạy trốn sự truy đuổi của quân Tây Sơn, được Nguyễn Ánh tin dùng cử đi sứ sang Xiêm, sang Lào nhằm tìm kiếm sự cứu viện của 2 nước này để giành lại đất đã mất vào tay Tây Sơn.

Năm 1784, ông được phong chức Cai cơ.

Năm 1801 (Tân Dậu), quân của Nguyễn Ánh đang ở thế thắng, Nguyễn Văn Thoại đang chỉ huy binh sĩ từ Vạn Tượng tiến đánh Phú Xuân. Trần Quang Diệu đang trấn giữ thành Qui Nhơn liền mang quân ra cứu viện. Nguyễn Văn Thoại giao binh quyền cho phó tướng Lưu Phước Tường rồi bỏ về Gia Định. Vua (Nguyễn Ánh) cho là không đợi lệnh triệu mà về, giáng làm Cai đội quản đạo Thanh Châu. (Đây là một chi tiết mà sau này, các nhà nghiên cứu cho rằng Nguyễn Văn Thoại không muốn đối đầu với Trần Quang Diệu, người bạn tâm giao từ thuở nhỏ, dù biết rằng tội đó có thể bị chém đầu).

Năm 1802 (Nhâm Tuất), Nguyễn Ánh lên ngôi, lấy niên hiệu Gia Long, thăng thưởng cho bề tôi. Nguyễn Văn Thoại bấy lâu bị giáng chức, cũng được thăng chức Khâm sai Thống binh Cai cơ, rồi Khâm sai Thống binh Chưởng cơ, quản suất biền binh lưu thủ Bắc Thành. Ông được vua giao Trấn thủ Lạng Sơn (1803) một thời gian rồi được triệu về kinh.

Năm 1808 (Mậu Thìn), Nguyễn Văn Thoại được cử làm Trấn thủ Định Tường.

Nước Chân Lạp xảy ra biến loạn vì anh em, họ hàng tranh giành ngôi báu. Vua Nặc Chân (Nặc Ông Chân, Nặc Chăn) chạy sang nước ta nhờ cứu viện. Năm 1813 (Quí Dậu), Tổng trấn Gia Định thành Lê Văn Duyệt và Hiệp tổng trấn Ngô Nhân Tĩnh cùng Nguyễn Văn Thoại được lệnh triều đình mang 13.000 quân đưa Nặc Chân về làm vua nước Chân Lạp. Sau đó, Nguyễn Văn Thoại cùng hơn 1.000 quân ở lại giúp giữ thành Nam Vang, bảo hộ nước Chân Lạp.

Tháng 9 năm 1816 (Bính Tý), Nguyễn Văn Thoại xin giải chức (từ chức) vì ốm (thật ra lý do xin từ chức là vì bất đồng ý kiến với Phiên vương Nặc Chân), được triệu về kinh. Chưởng cơ Lưu Phước Tường thay, bảo hộ Chân Lạp.

Tháng 6 năm 1817, Trấn thủ Vĩnh Thanh là Nguyễn Văn Triêm ốm phải nghỉ việc,  Nguyễn Văn Thoại được triều đình cử làm Trấn thủ Vĩnh Thanh.

Tháng 9/1818, ông được phong Thống chế, bảo hộ nước Chân Lạp.

Cũng trong năm 1818, ông nhận lệnh vua đào kinh Đông Xuyên. Thật ra, đã có lạch nước sẵn, chỉ đào sâu thêm, nên chỉ hơn một tháng là xong con kinh rộng, ghe thuyền qua lại thuận tiện, dài khoảng 30 km thông đến Rạch Giá. Khi công tác đào kinh hoàn tất, Trấn thủ Nguyễn Văn Thoại cho vẽ họa đồ và làm sớ tâu lên. Vua Gia Long khen, ra lệnh lấy tên người mà đặt cho tên sông là Thoại Hà; ngọn núi bên bờ phía đông của Thoại Hà (tục gọi núi Sập) cũng được vua cho cải tên là Thoại Sơn để biểu dương công khó của quan Trấn thủ.

Năm 1819, vua truyền cho Gia Định thành lo việc đào kinh từ Châu Đốc thông ra Hà Tiên (đặt tên là kinh Vĩnh Tế), lệnh cho quan Trấn thủ Nguyễn Văn Thoại chỉ huy dân binh khởi công vào ngày rằm tháng Chạp. (Ý tưởng đào kinh Vĩnh Tế đã có từ năm 1816, khi thành Châu Đốc được đắp xong và được tâu lên, vua Gia Long xem địa đồ miền Châu Đốc rồi truyền với các thị thần: "Xứ này nếu mở đường thủy thông với Hà Tiên thì hai đàng nông thương đều lợi. Trong tương lai dân đến ở càng đông, đất mở càng rộng, sẽ thành một trấn to vậy") (CBTY, quyển 2 tờ 49a). Phụ lực với Trấn thủ Vĩnh Thanh Nguyễn Văn Thoại còn có Chưởng cơ Nguyễn Văn Tuyên, Điều bát Nguyễn Văn Tồn và Trần Công Lại. Kinh đào gặp nhiều trở ngại nên phải bị gián đoạn nhiều lần. Phải huy động đến khoảng 80.000 nhân công, lúc cao điểm có mặt hàng chục ngàn người, đào kinh chỉ với công cụ thô sơ, trong điều kiện hết sức gian khổ. Có tài liệu ghi nhận số người chết do dịch bệnh, tai nạn lên đến 6.000 người. Đến tháng 5 năm Giáp Thân (1824) thì hoàn thành con kinh dài hơn 90 km nối từ sông Hậu (Châu Đốc) thẳng ra biển Hà Tiên. Kinh đào xong và được tâu lên, vua Minh Mạng mừng, giáng chỉ khen ngợi công khó của Nguyễn Văn Thoại, ban thưởng tiền bạc, the lụa cho ông.

Năm 1820, nước Cao Miên* nội loạn, quan lại tham ô, trộm cướp nổi lên... Trước tình hình đó, triều Nguyễn đã cử Trấn thủ Nguyễn Văn Thoại và Phó đô thống chế Nguyễn Văn Trí cầm quân dẹp loạn. Sau khi dẹp xong, vua Cao Miên yêu cầu lập lại chức Bảo hộ và người được vua cử giữ chức lần này cũng lại là Nguyễn Văn Thoại. (Vua Gia Long bãi chức Bảo hộ nước Chân Lạp năm 1819 vì thấy lúc bấy giờ không còn cần thiết nữa).

Sách sử ghi năm 1821, Nguyễn Văn Thoại lãnh ấn Bảo hộ Cao Miên. Cùng năm này, vua Minh Mạng giao Nguyễn Văn Thoại Án thủ đồn Châu Đốc, kiêm Quản quân vụ trấn Hà Tiên.

Năm 1822, ông đặt dinh Bảo hộ tại Châu Đốc, lập làng Thoại Sơn và dựng bia Thoại Sơn, lập đội quân Châu Đốc, lập đội quân mang tên An Hải (quê hương) để trấn giữ Hà Tiên. Ngày 30/8/1986, bia Thoại Sơn được Bộ Văn hoá ra Quyết định số 993/VH.QĐ công nhận là di tích lịch sử cấp Quốc gia.

 Năm 1823, lập 5 làng mới bên bờ kinh Vĩnh Tế: Vĩnh Tế, Vĩnh Nguơn, Vĩnh Điều, Vĩnh Gia và Vĩnh Thông.

Năm 1826, ông cho mở con đường từ Châu Đốc đi núi Sam, dựng bia "Châu Đốc Kiều Lương".

Tháng 9 năm 1828, ông dựng bia Vĩnh Tế Sơn tại khu Lăng mộ, nơi đã an táng 2 bà phu nhân, và cũng là nơi dự định làm chốn yên nghỉ cuối cùng của ông sau này. Ngày làm lễ dựng bia, Thoại Ngọc Hầu đã đứng ra chủ tế các cô hồn dân binh đã bỏ mình vì công tác đào kinh, tuyên đọc Tế nghĩa trủng văn.

Khoảng năm 1820-1828, Thoại Ngọc Hầu cho xây đình Châu Phú thờ Nguyễn Hữu Cảnh - một vị khai quốc công thần đã có công rất lớn trong việc khai hoang lập làng, xác lập chủ quyền, bình định an dân trên vùng đất Gia Định xưa. (Ngày 16/11/1988, Bộ Văn hoá đã ra quyết định số 1288/VH.QĐ công nhận đình Châu Phú là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia).

Trong dân gian cũng truyền rằng chính Thoại Ngọc Hầu đã cho cất miếu Bà Chúa Xứ núi Sam (lúc đầu, miếu được dựng lên bằng vật liệu đơn sơ: tre, lá..). Năm 1972, miếu được xây dựng quy mô lớn và hoàn chỉnh như hiện nay. Người thiết kế là kiến trúc sư Huỳnh Kim Mãng. Miếu Bà Chúa Xứ núi Sam là một trong những di tích lịch sử danh thắng của tỉnh An Giang được cả nước biết đến - di tích cấp Quốc gia (QĐ. số 92/VH-QĐ ngày 10/7/2000).     

Thoại Ngọc Hầu mất khi đương chức, nhằm ngày 6 tháng 6 năm Kỷ Sửu (1829), an táng tại Khu lăng núi Sam. Bia mộ ông được lập năm 1829, do con trai trưởng là Nguyễn Văn Lâm dựng, nội dung: "Hoàng Việt. Hiển khảo, Thống chế án thủ Châu Đốc đồn, lãnh Bảo hộ Cao Miên quốc ấn, kiêm quản Hà Tiên trấn biên vụ, Gia Nhị cấp, Kỷ lục tứ thứ, truy tặng Tráng Võ tướng quân, Trụ quốc Đô thống, thụy Võ Khác, Nguyễn Công húy Thoại, chi mộ"**

Sau khi Nguyễn Văn Thoại mất, có kẻ ghen ghét vu cáo cho ông, vua bắt tội ông làm quan không liêm chính nên ra lệnh truy giáng ông xuống hàng Chánh ngũ phẩm*** và đoạt lại chức tập ấm của con cái.

Năm 1838, vua Minh Mạng sai Thượng thư Bộ Hình là Nguyễn Văn Ngọc đến làng An Hải tuyên bố tội trạng của Nguyễn Văn Thoại, tịch thu 18 mẫu ruộng của ông mua để bà Nguyễn Thị Hiền và ông Nguyễn Văn Ngoạt (tự Huyết) làm ruộng hương hỏa. Sợ quá, ông Ngoạt đem hết gia đình trốn ra làng Tân Thái (nay là phường Mân Thái) sinh sống, hiện vẫn còn con cháu nơi đây. Kẻ vu cáo ông, tức Tào hình Vũ Du, sau bị cách chức đày đi Cam Lộ. Còn Nguyễn Văn Thoại, mãi cho đến ngày 25 tháng 7 năm 1924, nhân lễ tứ tuần khánh thọ, vua Khải Định mới giải án oan, sắc cho làng Vĩnh Tế, tổng Châu Phú, tỉnh Châu Đốc thờ phụng vị Tôn thần họ Nguyễn: "... Xưa từng linh ứng, nay tỏ bày chánh trực, Trẫm nhân lễ tứ tuần đại khánh, trải ban chiếu báu, ra ơn dày cử lên cấp bậc, phong làm "Đoan Túc Dực Bảo Trung Hưng Tôn Thần".

 


Bản đồ | Lộ trình | Lượt (3359) |  

Lăng Thoại Ngọc Hầu
- Địa chỉ: P. Núi Sam, Châu Đốc, An Giang

Chợ Tịnh Biên
- Địa chỉ: Xuân Tô, Tịnh Biên, An Giang
Rừng Tràm Trà Sư
- Địa chỉ: Tịnh Biên, An Giang
Chùa Bà Núi Sam (Châu Đốc)
- Địa chỉ: Phường Núi Sam, thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang, Việt Nam
Khu du lịch núi Cấm
- Địa chỉ: xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, Tỉnh An Giang
An Giang
- Địa chỉ: 82 Tôn Đức Thắng, P. Mỹ Bình, TP Long Xuyên, Tỉnh An Giang
Panda cafe

- Địa chỉ: 9/9 Trần Hưng Đạo, Phường Mỹ Xuyên, TP Long Xuyên,
Khu du lịch núi Cấm

- Địa chỉ: xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, Tỉnh An Giang
Khách sạn Bến Đá Núi Sam

- Địa chỉ: Quốc lộ 91, phường Núi Sam, Thị xã Châu Đốc,
Khách sạn Đông Nam

- Địa chỉ: QL. 91, Khóm 8, Châu Phú A, Châu Đốc
Khách Sạn Helen Ngọc Giang

- Địa chỉ: 173. Đường Nguyễn Thái Học, Phường Mỹ Bình, Thành phố Long Xuyên, Tỉnh An Giang
Giới thiệu Gõlàđi | Liên hệ | Gõlàđi Trên Facebook
www.Goladi.com & www.Goladi.vn - Copyright (c) 2024 Quản lý bởi PMV Software - Công Viên Phần Mềm Quang Trung, Quận 12, TP.HCM, Việt Nam